Trang Chủ
 
  Giới Thiệu MPK
 
  Sáng Tác
 
  Album Ảnh
 
  Tin Tức
 
  Liên Hệ
 
  Diễn đàn
 

 
  Liên Kết Website

 
 

Tổng lượt truy cập

523079

  MPK:Alô, Khùng Đây!

 

 

Hà Nội đầu hè oi nồng, không khí đặc quánh mùi mồ hôi nhễ nhại, hoàn toàn không thích hợp cho một mái tóc dài rối tung. Ấy thế mà MPK vẫn cứ “điệu” như lúc ở Đà Lạt “nắng lạnh”: tóc xoăn xoăn dài thượt, quần áo rộng thùng thình với trang sức vòng, kiềng và nhẫn xuểnh xoảng.

 

Vừa nói chuyện "gã" vừa cười hề hề, thi thoảng lại cúi xuống cái điện thoại di động, hị hụi nhắn tin. Hoá ra gã vừa được “nâng cấp” trình độ. Đã biết nhắn tin, chứ không đơn thuần “alô, khùng đây!” nữa.

 

Chàng Don Quiôxte ở xứ sở tình yêu

 

Nhiều người mới quen thắc mắc ba ký tự MPK là chi, gã giải thích rằng: M là Michel (tên thánh); P là Phước, tên cúng cơm (Nguyễn Văn Phước) và K là…khùng (bạn bè đặt và tự nhận (?)). Hỏi sao bạn bè lại gọi là “khùng”, bộ không thấy tự ái? Lại cười hề hề, ánh mắt lấp lánh tựa trẻ thơ: “Vì đó là MPK”.

 

Anh vẫn giữ tên thánh, mà lại theo đạo Phật. Điều này có mâu thuẫn quá không?

 

Không hề mâu thuẫn chút nào. Gia đình tôi theo đạo Chúa. Khi sinh ra tôi đã được rửa tội và được mang tên thánh là Michel, nhưng tôi lại được đạo Phật tỏ ngộ năm 14 tuổi. Tất cả mọi cái nó tự nhiên đến và đều có duyên cơ của nó. Quan trọng là biết sống và tận tri trong lòng từ bi.

 

Anh nói anh tỏ ngộ năm 14 tuổi. Vậy cơ duyên đến với đạo Phật của anh ra sao?

 

Hồi nhỏ tôi “già đời” lắm, không con nít như bây giờ đâu. Lúc nào cũng như một ông cụ non đăm chiêu nghĩ cái này, cái nọ. Năm 14 tuổi đã thấy nặng trĩu đôi vai mình nỗi khổ của chúng sinh, đi đâu cũng thấy đau khổ và bể ải.

 

Một ngày lang thang mệt mỏi, tôi bước vào quán cafe quen thuộc. Chỉ có 500 đồng trong túi, tôi gọi 3 điếu thuốc và 1 ly cafe đen. Khi hút điếu thuốc đầu tiên tôi thấy đau vô cùng. Đau một nỗi đau mà tôi không tài nào hiểu được.

 

Tôi rít thuốc, lắng chìm trong bản nhạc phát ra từ băng selection 8 của Christophe để quên đi nỗi đau ấy. Sang điếu thuốc thứ hai, bồng dưng nỗi đau biến mất. Giây phút đó sau này tôi mới hay rằng đó là giây phút mặc định. Điếu thuốc thứ hai cháy vào tay mà tôi không hề biết, không hề đau.

 

Khi anh bồi bàn chạy ra kêu toáng lên: ê cậu Phước!, lúc đó tôi mới hay tay mình bị bỏng. Ô lạ lắm! Chẳng thấy đau nỗi đau xác thịt, mà nỗi đau nhân thế tan biến hoàn toàn. Tôi lấy bút, viết ngay một câu: tiếng động chính trong vũ trụ chính là sự im lặng.

 

Sang điếu thuốc thứ ba, tôi rít rà. Đã lắm! Khi hết sạch hơi cuối cùng, tôi lại viết, mà câu này về sau trở thành một công án cho triết lý sống của tôi: im lặng là một tiếng động không ngừng.

 

Khi đó tôi ngộ ra rằng: hạnh phúc đến với con người khi trong tâm không đối đãi, trong trí không phân biệt. Người ta yêu cái này và ghét cái kia, phân biệt cái này và cái kia là chu kỳ của thất tình lục dục. Muốn thất tình lục dục đẹp mãi, mình cứ tận tri nó và trở thành một đứa trẻ thơ.

 

50 chục tuổi vẫn hồn nhiên

 

Phải vậy chăng mà khi gần đến 50 chục tuổi mà MPK vẫn hồn nhiên như đứa trẻ? Mọi người nhìn gã như một “phong cảnh lạ” của Đà Lạt, như một vị chát sau cùng của rượu vang nơi xứ sở tình yêu này. Trông gã cứ hề hề thế, nhưng ít ai biết được gã có một tuổi thơ hoang đàng. Mười lăm tuổi, tức là một năm sau cái tuổi “tỏ ngộ” đó, gã đã biết nhảy đầm, chơi bạch phiến và nghiền ngấu sách. Không lâu sau đó trở thành một “hippi” thực thụ. Sau 1975 MPK đi bỏ lẻ ma tuý cho những anh chị và kiếm tiền bằng cách “lại quả”. Gã đã từng bị bỏ từ mấy năm.

 

Sau khi ra tù, gã mới tìm nghề nhiếp ảnh như một cứu cánh mưu sinh. Ban đầu là chụp cho khách đám hỏi, tiệc tùng và khách du lịch nhưng sau dần gã đâm…chán.

 

Lúc này, sự tao ngộ với đạo Phật năm 14 tuổi quay trở lại. Và, gã, một kẻ trở về từ đáy bùn xã hội nay như được gột rửa hoàn toàn. Nguyên sơ đến thánh thiện. Gã yêu mọi vật xung quanh mình, từ những bông hoa dại, bãi sình ven lề, đến những giọt sương mỏng manh, mắt các con côn trùng.

 

Cứ thế, với ống kính “độ” và bộ áo dân tộc ba lỗ mỏng tang, gã nằm soài xuống bãi cỏ, rình và chụp. Có những hôm gã nằm im ở đó hàng tiếng đồng hồ, từ khi mặt trời chói gắt phía đỉnh đầu cho đến khi khuất núi. Dưới bụng, bãi đất bẩn, kiến bò lổm nhổm, gã vẫn thây kệ. Như chẳng biết đau đớn, ngứa ngáy và bẩn thỉu gì sất ngoài giọt sương đó. Chỉ một giọt sương mà thu gom cả linh hồn đất trời Đà Lạt. Âu cũng là triết lý “ Cái phi thường nằm trong những cái rất thường thường”.

 

Mọi người qua đường ban đầu thấy “thằng khùng” nằm lăn lê bò toài, sau quen dần và gọi gã là: Khùng!. Gã nhoẻn miệng cười: ờ thì tui khùng! Michel Phước Khùng!

 

Mà đã “khùng”, thì dăm trò trêu trọc đó sá gì bận tâm. Cái khiến gã bận tâm là giọt sương, là khóm hoa dại, là gió, mây, nắng Đà Lạt kia cơ! Những thứ mà chẳng ai quan tâm và bỏ mặc thì gã coi trọng. Đốt hàng chục cuộn phim để có một tấm hình, rồi chạy khoe với bạn bè: Ê! đẹp ghê tụi bay ơi!

 

Xem ảnh gã thấy cuộc sống thật đơn giản và đáng yêu. Hoá ra nhiều khi chúng ta cứ nhìn ra xa, ra cao vời vợi mà không hay rằng hạnh phúc cuộc sống chính là ở nơi này. Ngay dưới chân ta nơi những hạt sương nhỏ bé, ngay trên đầu ta nơi ánh nắng buổi sớm mai lung linh. Và thậm chí cả những thứ tưởng như xấu xí và ghê rợn như con sâu cũng hoá đẹp.

 

Người xem quen mắt nhìn những bức ảnh côn trùng sắc nét được xử lý qua photoshop ban đầu sẽ không thích thú với những bức ảnh tưởng như “không có điểm nhấn” của MPK. Nhưng với người sành sỏi, đó mới chính là nghệ thuật. Cái thứ mờ mờ nhân ảnh “phi photoshop” đó khiến cho những bức ảnh của gã có nét lảng bảng của sương Đà Lạt. Đẹp mà vẫn thực đến không ngờ!

 

 

 

Triển lãm “Sương tháng tư”

 

Hai mươi năm cầm máy với 500 bức ảnh, gã là trường hợp ngoại lệ của nhiếp ảnh Đà Lạt khi “dám” đem ảnh xuống Hà Nội và đô thị Sài Gòn để triển lãm. Tưng tửng và hồn nhiên, ấy mà thành danh! Người ta truyền tay nhau những bức ảnh của gã. Thấp thỏm chờ đợi MPK tung ra những bộ ảnh mới để ngắm nhìn.

 

Nhưng gã vẫn nghèo. Gã là “con nợ ruột” của các quán xá Đà Lạt. Trong người gã chỉ rủng rỉnh tình yêu với thiên nhiên. 22 bức ảnh về nắng sắp triển lãm cũng ra đời trong một lần “vô sản” đó. Gã bước vào quán cafe Tùng khi chẳng còn xu nào, nhưng trong túi có 15 cuốn phim. Thôi đành gọi trà đá “miễn phí”. Khi người phục vụ bưng ly đến, gã bắt thấy những tia nắng lung linh phản chiếu qua ly trà xuống bàn. Thế là chụp. Lia lịa. 15 cuốn phim ngốn cho một cảnh nắng duy nhất.

 

Ngày 24/05, gã sẽ vác “sương” và “nắng” Đà Lạt xuống Hà Nội trong triển lãm “Sương tháng tư” tại Viet Art Centre mừng ngày Phật đản năm 2551.

 

Gã nói về triển lãm của mình: 99 bức ảnh sương và nắng nghĩa là: Hai lần “chín”. Hai lần “chín” là “hâm”. Mà “hâm” thì còn hơn “khùng”.

 

Đấy! Gã là thế. Vậy mà chàng Don Quiôxte này lại đụng đến rất nhiều người đẹp. Nhưng đó là chuyện của thời cổ tích rồi, vì gã thổ lộ đã có bến đậu. Hỏi có “thay đổi về chất” không khi sắp lấy vợ? Hắn cười phá lên: “Phước Khùng vẫn mãi là Phước Khùng thôi à!”

 

Chẳng hiểu đức Phật trên trời cao kia có thu nạp một “đệ tử” như gã không?

Theo danong.com

     CÁC THÔNG TIN KHÁC
▪  "Nắng lạnh" ,MPK và giới trẻ...  (26/03)